Chính phủ Quốc_gia_hetman_Cossack

Lãnh đạo

Ukraina, 1740-50

Quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về Hội đồng (Quân sự) toàn thể Cossack, trong khi văn phòng nguyên thủ quốc gia do Hetman chủ trì. Ngoài ra, còn có một cơ quan cố vấn quan trọng là Hội đồng các sĩ quan (Starshyna). Hetman ban đầu được chọn bởi Hội đồng toàn thể, bao gồm tất cả người Cossack, thị dân, tăng lữ và thậm chí cả nông dân. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 17, vai trò của nó trở nên mang tính nghi lễ hơn khi hetman được Hội đồng các sĩ quan lựa chọn, và bản thân Quốc gia hetman chuyển thành một nhà nước độc tài. Sau Trận Poltava năm 1709, hetman được đề cử sẽ phải được sa hoàng xác nhận. Hetman cai trị cho đến khi ông chết hoặc bị Hội đồng toàn thể Cossack bãi nhiệm. Văn phòng của hetman có toàn quyền đối với chính quyền, tư pháp, tài chính và quân đội. Nội các của ông hoạt động đồng thời là bộ tham mưu và nội các gồm các bộ trưởng. Hetman cũng có quyền thực hiện chính sách đối ngoại, mặc dù quyền này ngày càng bị Nga hạn chế vào thế kỷ 18.[37]

Mỗi khu trung đoàn tạo nên Quốc gia hetman do một trung tá quản lý, người này có vai trò kép là quản lý quân sự và dân sự tối cao trên lãnh thổ của mình. Họ ban đầu được bầu bởi những người Cossack của khu trung đoàn đó, đến thế kỷ 18 thì các trung tá được Hetman bổ nhiệm. Sau năm 1709, các trung tá thường xuyên do triều đình Moskva lựa chọn. Các thuộc cấp của trung tá bao gồm một tư lệnh thứ hai, thẩm phán, đại pháp quan, phó quan và thủ cờ.[35]

Trong suốt thế kỷ 18, quyền tự trị địa phương dần dần bị xói mòn trong Quốc gia hetman. Sau thảm kịch Baturyn, quyền tự trị bị bãi bỏ, sáp nhập nó vào tỉnh Kyiv. Sau Trận Poltava, các hetman do Hội đồng sĩ quan bầu chọn sẽ được sa hoàng xác nhận. Họ phục vụ nhiều hơn với tư cách là nhà quản lý quân sự và có ít ảnh hưởng đối với các chính sách đối nội. Sa hoàng cũng thường xuyên bổ nhiệm các trung tá của từng khu trung đoàn.

Viện Tiểu Nga thứ nhất

Hetman Danylo Apostol, cai trị từ 1727 đến 1734.

Năm 1722, nhánh chính phủ Nga chịu trách nhiệm về Quốc gia hetman được đổi từ Viện Ngoại vụ sang cho Thượng viện đế quốc. Cùng năm đó, quyền lực của hetman bị suy yếu do việc thành lập Viện Tiểu Nga. Cơ quan này được bổ nhiệm tại Moskva và bao gồm sáu sĩ quan quân đội Nga đóng tại Quốc gia hetman, hoạt động như một chính phủ song song. Nhiệm vụ của nó bề ngoài là bảo vệ quyền lợi của nông dân Cossack bình thường chống lại sự đàn áp dưới tay các sĩ quan Cossack. Chủ tịch của Viện là Chuẩn tướng Stepan Veliaminov. Khi người Cossack phản ứng bằng cách bầu chọn Hetman Pavlo Polubotok nhằm phản đối những cải cách này, ông này bị bắt và chết trong tù mà không được sa hoàng xác nhận. Sau đó, Viện Tiểu Nga cai trị Quốc gia hetman cho đến năm 1727, khi nó bị bãi bỏ và một Hetman mới là Danylo Apostol được bầu ra.

Một bộ luật bao gồm 28 điều đã được thông qua vào năm 1659, quy định mối quan hệ giữa Quốc gia hetman và Nga. Nó tiếp tục có hiệu lực cho đến khi Quốc gia hetman giải thể. Với việc bầu chọn Hetman mới, bộ "Các điều khoản Pereyaslav" mới đã được ký bởi Danylo Apostol. Văn kiện mới được gọi là Pháp lệnh thẩm quyền 28, quy định rằng:

  • Quốc gia hetman sẽ không tiến hành các mối quan hệ đối ngoại của riêng mình, nhưng nó có thể giải quyết trực tiếp với Ba Lan, Hãn quốc Krym và Đế quốc Ottoman về các vấn đề biên giới miễn là các thỏa thuận này không mâu thuẫn với các hiệp định của Nga.
  • Quốc gia hetman tiếp tục kiểm soát mười trung đoàn, nhưng nó chỉ giới hạn ở ba trung đoàn lính đánh thuê.
  • Trong chiến tranh, người Cossack được yêu cầu phục vụ dưới quyền sĩ quan chỉ huy thường trú của Nga.
  • Một tòa án được thành lập bao gồm ba người Cossack và ba người được chính phủ chỉ định.
  • Người Nga và các địa chủ khác không phải là người địa phương được phép ở lại Quốc gia hetman, nhưng không thể đem đến nông dân mới từ phía bắc vào.[38]

Viện Tiểu Nga thứ hai

Năm 1764, văn phòng Hetman bị Yekaterina II bãi bỏ, và quyền hạn của nó được thay thế bằng Viện Tiểu Nga thứ hai được chuyển đổi từ Prikaz Tiểu Nga (Văn phòng sự vụ Ukraina) trực thuộc Văn phòng Đại sứ của Sa hoàng Nga. Viện bao gồm bốn người do Nga bổ nhiệm và bốn đại biểu của Cossack do chủ tịch là Pyotr Rumyantsev đứng đầu, người này đã tiến hành loại bỏ một cách thận trọng nhưng kiên quyết các dấu tích của quyền tự trị địa phương. Năm 1781, hệ thống trung đoàn bị loại bỏ và Viện Tiểu Nga bị bãi bỏ. Hai năm sau, quyền tự do di chuyển của nông dân bị hạn chế và quá trình nông nô hóa được hoàn thành. Những người lính Cossack được hợp nhất vào quân đội Nga, trong khi các sĩ quan Cossack được cấp vị thế quý tộc Nga. Theo như thông lệ trước đây ở những nơi khác trong Đế quốc Nga, đất đai bị tịch thu từ Nhà thờ (trong thời kỳ của Quốc gia hetman, chỉ riêng các tu viện đã kiểm soát 17% đất đai của khu vực[39]) và được phân bổ cho giới quý tộc. Lãnh thổ của Quốc gia hetman được tổ chức lại thành ba tỉnh của Nga (guberniya) có chính quyền không khác biệt với bất kỳ tỉnh nào khác trong Đế quốc Nga.[40]

Quan hệ ngoại giao

Thời kỳ Bohdan Khmelnytsky

Bohdan Khmelnytsky theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương cho nhà nước Cossack Ukraina mới thành lập.[41] "Hetman và các đồng sự của ông bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một nhà nước Cossack hoặc Ukraina, độc lập hoặc liên minh với một số nhà nước khác."[42] Một hệ thống chống lại Ba Lan, là nước đang tiến hành chiến tranh chống lại Quốc gia hetman, là một "khối chống Công giáo gồm các quốc gia Chính thống giáo và Tin lành" bao gồm Nga, Moldavia, Wallachia, TransylvaniaThụy Điển. Một lựa chọn khác là hợp nhất Quốc gia hetman Cossack vào Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva với tư cách là một đối tác bình đẳng với Đại công quốc Litva và với Ba Lan. Một hệ thống khác sẽ đưa Ukraina vào quỹ đạo của Ottoman, tương tự như Wallachia, Transylvania, Moldavia và Hãn quốc Krym. Cuối cùng, Khmelnytsky đã phát triển một khả năng khác, theo đó có thể liên quan đến việc khiến cho Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva chống lại Nga và người Cossack Don, hoặc một cách khác là để Ba Lan tham gia với Venezia trong cuộc chiến chống lại Ottoman.[43]

Trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, Khmelnytsky tìm kiếm được hỗ trợ quân sự của Hãn quốc Krym, nó đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại quân Ba Lan.[44] Tuy nhiên, người Tatar Krym tỏ ra là một đồng minh không đáng tin cậy, do hành động của họ đã ngăn cản chiến thắng của người Cossack trong các trận chiến có khả năng quyết định. Hãn quốc này có lợi ích là giữ cho cuộc khởi nghĩa của người Cossack tồn tại để Ba Lan bị suy yếu, nhưng một nhà nước Ukraina đối địch mạnh mẽ cũng không có lợi cho Hãn quốc.[45]

Ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa, Khmelnytsky cũng thỉnh cầu đến Nga, nhưng nước này từ chối viện trợ quân sự cho Khmelnytsky trong gần sáu năm.[45] Từ mùa thu năm 1648 đến mùa xuân năm 1651, Khmelnytsky thường xuyên trao đổi thư từ với người Ottoman, thế lực này đưa ra những hứa hẹn mơ hồ về viện trợ quân sự cho Khmelnytsky. Hetman liên tục yêu cầu sultan để ông làm thần dân của sultan, nhưng Ottoman chưa bao giờ thừa nhận như vậy một cách rõ ràng. Sultan nói rằng "nếu hetman vẫn trung thành", và 'ahdname, sẽ được ban cho, nghĩa là sultan sẽ đảm bảo hòa bình và bảo hộ. Tuy nhiên, đến năm 1653, Khmelnytsky thấy rõ rằng không có 'ahdname nào sẽ được ban cho. Khmelnytsky đưa những bức thư sultan gửi cho mình đến cho sa hoàng để hăm dọa người này chấp nhận đưa hetman vào quyền tôn chủ của Nga.[46] Thỏa thuận Pereyaslav được ký vào tháng 3 năm 1654, là một thỏa thuận nhằm sáp nhập Ukraina với tư cách là một công quốc tự trị dưới quyền bảo hộ của Nga, và dẫn đến chiến tranh giữa Ba Lan và Nga.[47] Bất chấp hiệp định này, Khmelnystky tiếp tục trao đổi thư từ với Ottoman để khiến người Nga và người Ottoman chống lại nhau. Anh ấy nói với mỗi bên rằng mình đã liên minh với bên kia chỉ vì lý do chiến thuật.[48]

Thời kỳ Vyhovsky và Doroshenko

Sau khi Bohdan Khmelnytsky qua đời vào năm 1657, Ukraina trở nên bất ổn hơn, dẫn đến xung đột giữa các phe Cossack thân Ba Lan và thân Nga. Năm 1658, hetman Ivan Vyhovsky đàm phán Liên minh Hadiach, liên minh này dự kiến thành lập một Thịnh vượng chung gồm ba phần, kết hợp Quốc gia hetman Cossack với tư cách là "Đại công quốc Ruthenia" ngang hàng với các thành viên hiện tại: Vương quốc Ba Lan và Đại công quốc Litva. Tuy nhiên, do Vyhovsky mất quyền lực nên điều này không thành hiện thực, trong khi xung đột vẫn tiếp diễn trong nhà nước Cossack. Đến năm 1660, nhà nước về cơ bản bị chia cắt dọc theo sông Dnepr, với phía tây do Ba Lan kiểm soát và phía đông do Nga kiểm soát.[49] Năm 1663, người Cossack nổi dậy chống lại Thịnh vượng chung và với sự giúp đỡ của người Tatar Krym vào năm 1665, Hetman Petro Doroshenko lên nắm quyền, với hy vọng đưa Ukraina ra khỏi sự kiểm soát của cả Nga và Ba Lan-Litva. Hai cường quốc đã hoàn toàn phớt lờ lợi ích của Quốc gia hetman và phân chia nó dọc theo Dnepr trong Hiệp định đình chiến Andrusovo. Năm 1666, Doroshenko bắt đầu lại việc trao đổi thư từ giữa người Cossack với người Ottoman.[50]

Đế quốc Ottoman nhận định Hiệp định đình chiến Andrusovo là một mối đe dọa, và bắt đầu thực hiện một chính sách tích cực hơn trong khu vực. Vào ngày 8 tháng 6 năm 1668, Doroshenko trở thành hetman duy nhất của toàn bộ Ukraina và quay trở lại với ý tưởng đặt Ukraina dưới sự bảo hộ của Ottoman, vì biết rằng sẽ rất khó để tồn tại. Sau các cuộc đàm phán, cả hai bên đã đồng ý rằng 1.000 cấm vệ quân (janissary) sẽ không đóng quân ở Kodak và Ukraina sẽ không phải nộp bất kỳ khoản cống nạp nào. Doroshenko cũng soạn thảo 17 điều khoản trên cơ sở chấp nhận sự bảo hộ của Ottoman.[51] Doroshenko phát ra một lá thư quy phục sultan vào ngày 24 tháng 12 năm 1668, được Sublime Porte xác nhận vào tháng 6 năm 1669.[2] Khi Ba Lan-Litva cố gắng lật đổ Doroshenko và chiếm lấy Quốc gia hetman, người Ottoman tuyên chiến vào năm 1672 và hành quân về phía bắc vào Kamianets-Podilskyi, được người Cossack của Doroshenko và người Tatar Krym đứng về phía họ.[52] Sau chiến tranh, người Ottoman đã ký một hiệp ước với Ba Lan-Litva, giao vùng Podolia cho Ottoman.[15] Tiếp tục chiến đấu với Ba Lan-Litva dẫn đến việc người Ottoman phải nhượng lại tỉnh Podolia trong Hiệp định Karlowitz. Năm 1674, Nga xâm chiếm Quốc gia hetman và bao vây thủ đô Chyhyryn, khiến Ottoman và người Tatar Krym gửi quân của họ đến đối đầu với Nga. Người Nga rút lui trước khi bất kỳ cuộc đối đầu nào xảy ra, nhưng người Ottoman đã san bằng và cướp bóc các khu định cư ở Quốc gia hetman thân thiện với người Nga theo lời Darü'l-İslam . Doroshenko đầu hàng quân Nga 2 năm sau, vào năm 1676.[53]

Mặc dù người Ottoman, người Ba Lan và người Nga đều có bằng chứng cho thấy Quốc gia hetman Cossack từng thề trung thành với nhiều bên đồng thời, "họ chọn cách giả bộ rằng họ không biết về bất kỳ lòng trung thành kép nào".[54] Người Ottoman không củng cố chỗ đứng của họ tại Ukraina bằng một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ, bởi vì một vùng đệm biên giới phù hợp với lợi ích của họ.[55] về việc tên người Ottoman gọi Quốc gia hetman, dưới thời Khmelnytsky thì gọi là eyalet (tỉnh);[1] dưới thời Doroshenko thì gọi là một sancak (kỳ) đến tháng 6 năm 1669.[2] Người Ottoman gọi Quốc gia hetman Cossack là "quốc gia Ukraina" (Ukraniya memleketi).[52] Sử gia Viktor Ostapchuk thảo luận về quan hệ Ukraina-Ottoman theo cách như sau:

Vậy Ukraina Cossack là một thực thể Ottoman ở mức độ nào trong thời kỳ này? Vì triều cống kiểu Hồi giáo (haraç) chưa bao giờ được áp đặt và hiếm khi được thảo luận, nên về mặt kỹ thuật chúng ta không thể gọi quốc gia hetman là một nước triều cống của Ottoman . Tất nhiên, đây là lý do tại sao chúng ta ưa thích thuật ngữ "chư hầu", tất nhiên không phải theo nghĩa nguyên bản thời trung cổ của phương Tây, mà theo nghĩa mối quan hệ giữa một quốc gia lệ thuộc và một quốc gia tôn chủ, một tình trạng theo đó có các nghĩa vụ chung—chủ yếu là không xâm lấn và sự bảo hộ của tôn chủ với nước lệ thuộc, để khi cần thiết đổi lấy việc nước lệ thuộc thực hiện nghĩa vụ về quân sự nhân danh tôn chủ, và có khả năng dâng cống nạp.[56]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc_gia_hetman_Cossack http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?l... http://history.org.ua/JournALL/journal/1991/4/3.pd... https://www.worldcat.org/issn/0130-5247 http://litopys.org.ua/salto/salt04.htm https://web.archive.org/web/20160120132653/http://... http://www.runivers.ru/bookreader/book479242 http://constitution.garant.ru/history/act1600-1918... http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?l... http://www.encyclopediaofukraine.com/display.asp?l... https://gazeta.ua/articles/history/_znajshli-350ri...